LÃO HẠC – ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC 2021
ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC
Xin mời Quý bạn đọc đến với bài dự thi của bạn Đỗ Lệ Hằng (học sinh lớp 8B Khóa 9). Lệ Hằng sẽ lựa chọn viết tiếp phần kết cho truyện “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao nhé.
Thả tim và chia sẻ bài viêt đáng yêu này nhé cả nhà ơi!!!
Với điểm nhìn từ ông giáo…
Lão Hạc khi ấy đã chết một cách vô cùng đau đớn. Chẳng ai trong cái làng này biết tại sao lão Hạc lại chọn cái chết đau khổ như vậy ngoài tôi và Binh Tư. Sau khi lão qua đời, tôi đã dùng số tiền mà lão gửi, nhờ xóm làng cùng lo ma chay cho lão. Hàng ngày, tôi vẫn đến nhà lão, trông coi số ruộng vườn mà lão để lại, đèn nhang cho lão đều đều, chờ ngày cậu Ba – con trai lão trở về. Ngày qua tháng lại, mới đó cũng đã mấy mươi năm trôi qua rồi, trong khoảng thời gian ấy, tôi đã cố gắng dùng lí lẽ, sự hiểu biết của mình, cũng như cái tri thức mà mình có, gồng mình lên để bảo vệ ruộng vườn, của cải mà lão để lại vì bọn lí trưởng, cường hào, cai lệ lúc nào cũng lăm le muốn chiếm đoạt ruộng vườn, đất đai mà lão để lại. Rồi một hôm, tôi bỗng nghe thấy những tiếng xôn xao của người dân trong làng về một cậu con trai người gầy gầy, chỉ còn da bọc xương, xây xát đầy máu đang lê lết trên đường. Nhìn qua thì giống một người tôi đang chờ đợi bấy lâu nay. Mọi người chỉ trỏ, bàn tán rất xôn xao khiến tôi vô cùng tò mò, lập tức chạy ra cổng làng xác minh sự việc. “Là cậu Ba! Là cậu ấy thật rồi!” – Tôi vỡ òa khi nhìn thấy cậu, bèn nhờ một vài người khiêng về nhà tôi. Tôi cùng vợ chăm sóc, thuốc thang cho cậu.
Với điểm nhìn từ cậu con trai…
Tôi dần tỉnh lại sau cơn mê man. Tay chân tôi bủn rủn, rã rời vì kiệt sức. Cơ thể đầy thương tích này khiến tôi đau nhói. Tôi mở đôi mắt mờ đục của mình ra, trước mắt tôi là một khuôn mặt rất đỗi thân thuộc với tôi, nhưng qua bao năm tháng, những nếp nhăn ngày một hiện rõ, rõ như nỗi thống khổ bao năm qua ông đã phải gánh chịu. Đó là ông giáo. Tôi chưa kịp nói lời nào, ông đã vội trách tôi:
– Sao bấy lâu nay, cậu không gửi bất kì lá thư nào về? Cha cậu ngày đêm mong ngóng cậu nhưng tại sao không nhận được chút hồi âm nào? Sao cậu lâu về thế? Cha cậu… ông ấy mất rồi!
Tim tôi hẫng lại một nhịp, quặn thắt từng cơn đau. Cái gì cơ? Cha tôi… ông không còn nữa ư? Sống mũi tôi cay cay, nước mắt đầm đìa đã lăn dài trên gò má gầy guộc của tôi tự bao giờ. Tim tôi như thắt lại, đau nhói đến tột cùng, nỗi đau ấy như giằng xé tâm can tôi, từng hồi, từng hồi một. Và tôi bắt đầu kể bằng giọng nghẹn ngào, kể về nỗi lòng của tôi bao lâu nay:
– Cháu khổ lắm ông giáo ạ! Và những người bạn làm cùng tôi ở nơi đồn điền cao su cũng thế! Chúng cháu phải làm quần quật suốt từ sáng sớm đến đêm muộn, làm những mười mấy tiếng không được nghỉ ngơi, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Nơi chúng cháu làm việc cũng không bảo đảm, mùa đông cũng như mùa hè, mỗi người chỉ được một manh áo vải. Có những người thì đầu trần chân đất, có những người thì được thêm chiếc nón lá, nhưng tất cả đều khổ, đều bị đánh đập cùng cực lắm, ông giáo ạ! Nào đâu đã hết nỗi khổ ở nơi nước độc, rừng thiêng ấy. Chúng cháu còn phải chịu những cơn sốt rét rừng, những trận ốm thừa sống thiếu chết, và chúng cháu phải tự cưu mang, chăm sóc lẫn nhau. Có những người kiệt sức, không chịu được sự bóc lột, cùng cực ấy, đã bỏ mạng ở nơi đồn điền cao su khiến cho những cây cao su càng thêm tốt tươi. Chỉ đến khi làm ở đó, cháu mới thấm thía câu nói:
“Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”.
Những người làm ở đó ai cũng nhớ quê hương cả nhưng nào có ai dám về mà cũng chẳng có tiền để mà về. Lao động nặng nhọc, vất vả là thế nhưng lương chẳng đáng là bao, có lẽ được sống đã là một sự may mắn chứ nói gì đến đổi đời. Có nhiều người đã tìm mọi cách để bỏ trốn nhưng không may mắn đã bị phát hiện, bị đánh đập, bị vùi dập cho đến chết ở nơi nước độc rừng thiêng này. Tôi cũng toan định nhiều lần bỏ trốn, nhưng vẫn luôn nơm nớ lo sợ, sợ bị phát hiện cũng sẽ bị chôn vùi ở nơi đây như những người bạn kia. Nhưng một ngày kia, tôi nhận thấy sức khỏe tôi đã yếu lắm rồi, tôi không còn đủ khả năng để chống chọi, đương đầu, gồng mình ở nơi này nữa. Tôi quyết định bỏ trốn, vì ít nhất tôi cũng còn có một chút tia hy vọng được trở về quê hương, được đổi đời, được gặp lại cha của mình. Có lẽ tôi là người may mắn đã trốn thoát được khỏi nơi này nhưng thật đáng buồn khi ngày tôi trở về thì cha tôi không còn nữa.
– Thế nhưng ông giáo ơi, tại sao cha cháu lại chết ?
Ông giáo im lặng một hồi lâu không nói gì… Vài ngày sau, sức khỏe tôi đã dần hồi phục, tôi liền chạy qua bà hàng xóm nhà bên hỏi chuyện về cái chết của cha tôi. Bà ta nói với tôi bằng giọng khinh khỉnh:
– Có hôm tôi đi ngang qua, thấy lão đang bàn chuyện gì đó với Binh Tư, có vẻ như đang làm điều gì đó mờ ám. Nghe đồn rằng bố cậu theo gót Binh Tư. Chắc là lại làm chuyện gì đó sai trái, sợ bị làng bắt trói, ngồi tù tội nên tự kết liễu chứ gì!
Lòng tôi dấy lên một nỗi buồn man mác. Cha tôi, người đã dạy bảo tôi những điều hay lẽ phải, là người sống để bụng, chết mang theo câu nói “Đói cho sạch, rách cho thơm”, lại theo gót Binh Tư để làm những chuyện xấu xa này sao? Tôi không hận cha tôi, tôi chỉ buồn. Buồn vì mất đi cha, buồn vì biết rằng cha mình đã bị tha hóa bởi cái xã hội thối nát này, buồn vì để mất đi người mình yêu thương nhất, buồn vì không còn sức lực để làm bất cứ việc gì trên đời này nữa. Tôi bước chậm rãi về căn nhà trống vắng mà cha để lại. Ngồi một góc, tôi thẫn thờ. Không khí trong căn nhà lạnh lẽo đến lạ thường, cái lạnh của sự thiếu vắng tình thương.
Chán đời, tôi bèn dùng số tiền đi cao su dành dụm bấy lâu nay lao vào những thú vui ăn chơi ngoài kia. Tôi bắt đầu sa đà vào rượu chè, cờ bạc. Sáng sớm, tôi đến những nơi mà người ta tụ tập cờ bạc, dùng tiền của mình để tham gia vào những thú vui dơ bẩn. Tối đến, tôi đắm chìm trong men say, quên lối về. Cuộc đời của tôi cứ trôi qua như vậy cho tới cái ngày tôi không còn một xu nào dính túi, ý định bán ruộng vườn cứ nhen nhóm trong tôi. Hôm ấy, tôi gọi người đến xem ruộng. Lúc sau, tôi thấy từ xa có bóng người chạy lại, hớt hải gọi:
– Cậu Ba ơi, Cậu Ba! Xin cậu đừng bán mảnh vườn này. Đây là tài sản mà cha cậu để lại lúc lâm chung, phòng khi cậu về còn cưới vợ kia mà!
Đó là giọng của ông giáo. Tôi nhìn ông, khuôn mặt nhăn nheo, đầy nỗi thống khổ in hằn bao năm tháng, hai hàng nước mắt lăn dài, van xin tôi. Tôi gạt tay ông ra, lạnh lùng đáp:
– Giờ tôi còn gì nữa đâu mà cưới vợ? Sức tàn lực kiệt, còn mang danh bẩn của ông già ấy để lại, tôi còn tiếc gì cái mảnh vườn, cái tài sản này nữa chứ?
– Không phải! Cậu hiểu nhầm rồi! Cha cậu khi ấy ốm quá nặng, lại gặp quá nhiều biến cố lớn. Số tiền mà lão dành dụm được đã tiêu vào tiền thuốc thang, chẳng mấy chốc đã cạn. Vì muốn giữ lại mảnh vườn cho cậu, cũng không muốn theo gót Binh Tư làm những việc xấu, lão đã sang nhà Binh Tư, xin ít bả chó rồi tự kết liễu cuộc đời mình. Lão gửi lại ruộng vườn cho tôi trông coi là để chờ ngày cậu trở về có cái mà sinh nhai. Lão vẫn luôn có một niềm tin rằng cậu con trai duy nhất của lão sẽ trở về! Tất cả những gì lão làm đều là vì cậu!
Tôi sững người ra vài giây. Vậy ra tôi đã hiểu lầm ông bấy lâu nay, đã hiểu lầm người cha đã nuôi nấng tôi từ bé cho tới lớn sao? Tại sao tôi không tin ông ngay từ đầu cơ chứ? Tôi tự trách bản thân. Lương tâm vô cùng day dứt, áy náy vì đã hiểu nhầm người cha của mình, hiểu nhầm một người suốt đời tận tụy vì tôi. Tôi ngã khuỵu xuống đất, hai bàn tay ôm lấy ngực, từng cơn đau, từng nỗi trách móc dâng lên trong lòng từng hồi như xoáy vào tận đáy tâm can tôi. Tôi khóc. Nước mắt tôi lăn dài, đầm đìa trên má. Dòng nước mắt ấy tuy trong suốt nhưng chứa đựng một nỗi ân hận vô cùng.
Tôi bỏ lại tất cả, chạy đến nơi chôn cất của cha tôi. Bầu trời bỗng nhiên tối sầm lại, từng đám mây đen ùn ùn kéo tới, sấm chớp nổ lên đùng đùng trên trời như thể ông trời cũng đang muốn oán trách tôi. Một hạt, hai hạt rồi ba hạt, mưa bắt đầu rơi xuống. Cơn mưa ào xuống, tôi vẫn chạy, chạy trên con đường làng mòn dẫn tới khu mộ. Vừa chạy, tôi vừa khóc, nước mắt hòa với nước mưa, có lẽ không ai thấy tôi đang khóc. “Cha ơi! Con xin lỗi! Con xin lỗi cha rất nhiều!” – tiếng lòng tôi vang lên, đau đớn như hàng trăm ngàn nhát dao cứa vào da thịt, trái tim tôi.
Tới nơi, ở gốc cây đa to lớn, tôi thoáng nhìn thấy ngôi mộ nhỏ bé nằm gọn dưới gốc cây, đó là mộ của cha tôi. Chạy tới ngôi mộ của cha tôi, tôi quỳ xuống bên ngôi mộ của ông, òa khóc nức nở. Một cành đa rơi xuống nhẹ nhàng bên mộ cha tôi. Đâu đó trong cơn mưa rào lạnh tới tê tái lòng người này, tôi cảm nhận được một hơi ấm nào đó. Mắt tôi mờ đi vì nước mưa. Bỗng nhiên, tôi thoáng thấy trước mặt một hình ảnh cao, gầy guộc hiện lên. Đó là cha tôi. Ông vẫn mỉm cười hiền lành với tôi như ngày nào. Như phản xạ của một đứa trẻ gặp được cha khi lạc lối, tôi cất tiếng gọi với giọng nức nở:
– Cha ơi! Cha ơi! Cha mau về nhà với con đi! Con nhớ cha lắm! Con biết lỗi của con rồi!
– Chàng trai của cha! Con nay đã thật sự trưởng thành rồi! Hãy bước về theo ánh sáng của ngọn cờ búa liềm con nhé! Nơi đó con sẽ tìm được sự thanh thản trong chính tâm hồn của con. Cha luôn yêu con và sẽ luôn dõi theo con, con trai nhé!
Mắt tôi nhòe đi, tôi không còn thấy rõ điều gì nữa, tôi ngất lịm đi trong cơn mưa. Khi tỉnh dậy, từng tia nắng sáng bừng chiếu vào nơi tôi đang nằm. Tôi vẫn ở đó, quỳ dưới mộ cha tôi. Cơn gió dịu dàng thổi qua làm tôi chợt nhớ về sự việc ngày hôm qua xảy ra. Tôi không rõ đó là mơ hay thật, nhưng tôi quyết, cho dù là gì đi chăng nữa, tôi cũng sẽ nghe theo lời khuyên của cha, đi theo ánh sáng của Đảng, đi theo lá cờ đỏ tung bay phấp phới. Và tôi đã về nhà, thu dọn hành lí, lên đường ra chiến khu, xin được gia nhập vào quân đội.
Hai năm sau, tức năm 1945, tôi trở về lại ngôi làng năm xưa. Lòng tôi tưng bừng rộn rã. Tôi đã hoàn thành ước nguyện mà cha tôi mong muốn. Cách mạng tháng tám đã thành công, và tôi là một trong những người chỉ huy trong cuộc cách mạng ấy. Tôi men theo con đường làng, tới nơi chôn cất ông. Tôi mỉm cười, nói trước mộ ông rằng:
– Cha à! Con đã làm được rồi! Con đã theo Đảng, và đã chiến thắng!
Cơn gió dịu dàng thổi qua gáy tôi, đung đưa cành đa xanh dịu. Những tia nắng ấm áp chiếu xuống, tôi tin rằng ông đã thấy được những gì tôi làm, và hẳn đã yên nghỉ nơi suối vàng.
Chẳng lâu sau tôi cũng cưới vợ. Em tên Lành, là một cô gái làm bên đội tiếp tế. Chúng tôi quen nhau trong lần tôi đi đánh trận bị thương, em là người đã băng bó cho tôi. Tôi đã yêu em từ cái nhìn đầu tiên. Tôi yêu đôi mắt em, đôi mắt long lanh, màu nâu dịu dàng, hệt như ánh mắt của mẹ tôi – người đàn bà đã tần tảo nuôi tôi khôn lớn. Đám cưới của chúng tôi diễn ra êm đẹp với sự chúc phúc của họ hàng, làng xóm. Đêm hôm ấy, tôi nằm mơ thấy cha đang vẫy tay tôi, tôi mỉm cười, bóng ông khuất xa dần, xa dần, có lẽ ông đang chào tạm biệt tôi lần cuối. Nước mắt tôi bỗng trào dâng, tôi nghĩ, đó là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc. “Tạm biệt cha! Nếu có kiếp sau, con vẫn mong là con của cha!”
***
NẾU LÀ ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC, EM SẼ…
Sách là một nguồn tri thức vô tận, là “Bách khoa toàn thư” của nhân loại, là một món ăn tinh thần để bồi dưỡng tâm hồn con người ta thêm phong phú, một hành trang quan trọng mà mỗi chúng ta cần mang theo trên con đường dẫn đến thành công. Nếu được chọn là Đại sứ văn hóa đọc, em có những kế hoạch và biện pháp sau để khuyến khích các bạn đọc sách nhiều hơn:
– Bản thân em trước tiên sẽ đọc thật nhiều những cuốn sách hay và bổ ích, tiếp thu thật nhiều kiến thức từ những cuốn sách ấy để có thể chia sẻ những điều thú vị về những gì em đã đọc được trong sách, từ đó đưa những cuốn sách ấy gần hơn tới những người bạn xung quanh em để các bạn ấy có thêm niềm yêu thích sách giống như em.
– Em sẽ thường xuyên cập nhật những tin tức về những lễ hội sách xung quanh địa phương nơi em sống. Sau đó, em sẽ mời những người bạn cùng em đi tham gia những hội sách ấy. Chúng em có thể mua sách cùng nhau, nghe những anh chị trong ban tổ chức thuyết trình về những cuốn sách được bày bán, từ đó những người bạn của em sẽ có thêm hứng thú về sách.
– Em sẽ mời các bạn tham gia những nhóm trên facebook về sách như: Hội Yêu Sách, Cộng đồng review sách hay, ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY, Làng Sách, Dậy sớm và Đọc sách,… Hay em sẽ mời những người bạn thích và theo dõi những fanpage trên facebook về sách như: Yêu Sách, NGƯỜI YÊU SÁCH, Cộng Đồng Yêu Sách, Gác Sách,… để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ cũng như lan tỏa tình yêu đối với sách và đọc sách nhiều hơn.
– Em sẽ chia sẻ những video thuyết trình sách trên fanpage của ngôi trường em đang học – Trường THCS Pascal tới những người bạn, những người thân yêu của em để họ cảm nhận được những điều hay về những cuốn sách được thuyết trình, từ đó tham khảo và có thể mua cho mình một cuốn sách như vậy để nhâm nhi những lúc rảnh rỗi.
– Em thường đạt điểm phẩy về môn Ngữ văn cao thứ nhất và thứ hai của lớp, và giáo viên bộ môn Ngữ Văn của em – cô Nguyễn Hoàng Bình An đã tặng cho em những cuốn sách hay và bổ ích về kinh nghiệm sống như: Hài hước một chút, thế giới sẽ khác đi,… Cùng với đó, em cũng được nhận rất nhiều cuốn sách từ Ban giám hiệu Trường THCS Pascal từ việc em đạt điểm phẩy tổng kết 9.0 trở lên, hay từ cô giáo chủ nhiệm của em. Từ đó, các thầy cô đã lan tỏa niềm yêu thích sách cho em. Vậy nên, vào những dịp đặc biệt như sinh nhật của những người bạn, em sẽ dành tặng cho họ những cuốn sách hay và bổ ích, để các bạn ấy có thể đọc, và tăng thêm phần nào tình yêu dành cho sách.