https://thptminhtri.edu.vn/wp-content/uploads/2021/06/BANNER-4-03.jpg

Thầy cô không chỉ là người dạy mà còn luôn nỗ lực học hỏi không ngừng

Tiếp nối các chương trình hội thảo ứng dụng, triển khai của nhà trường, seminar của ba tổ chuyên môn được tổ chức trong tháng 12 và tháng 1 đã thành công tốt đẹp, mang lại những hiệu ứng lan tỏa tích cực trong và ngoài nhà trường. Mở đầu là seminar của tổ Xã hội diễn ra vào ngày 17/12/2021 với hình thức trực tiếp, tiếp đó buổi seminar của tổ Tiếng Anh diễn ra vào tối ngày 31/12/2021, đúng thời khắc chuyển giao giữa năm 2021 và năm mới 2022 với hình thức trực tuyến và sau cùng là seminar của tổ Tự nhiên diễn ra vào ngày 16/1/2022 với hình thức trực tuyến. Mỗi buổi seminar đều diễn ra liên tục trong ba hoặc hơn ba tiếng đồng hồ nhưng tất cả các thầy cô giáo đều cảm thấy vui và hữu ích. 

Với chủ đề chung về “Xây dựng kế hoạch bài dạy trong bối cảnh dạy học trực tuyến”, các báo cáo tại các buổi seminar đều tập trung vào các vấn đề lớn như: 

1/ Những thuận lợi, khó khăn khi xây dựng kế hoạch bài dạy chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

2/ Quy trình, cách thức xây dựng kế hoạch bài dạy theo kiểu bài, phù hợp với các hình thức tổ chức dạy học khác nhau (Dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, dạy học trực tuyến). 

3/ Dữ liệu, học liệu “chuyển đổi số” cho các kiểu bài dạy khác nhau.

4/ Các bước phát triển chương trình được thực hiện qua 1 bài dạy cụ thể (đánh giá thực tiễn triển khai, uu điểm, hạn chế, giải pháp điều chỉnh).

Các báo cáo được các tổ chuyên môn chuẩn bị kĩ càng, bài trình chiếu được thiết kế đẹp và minh hoạ rất sinh động, phong phú. Sau phần trình bày báo cáo của các nhóm môn, TS. Hoàng Thanh Tú-Cố vấn chuyên môn nhà trường đã định hướng cho việc trao đổi, thảo luận và giải đáp các thắc mắc, các khó khăn của các thầy cô trong quá trình triển khai thực tế. 

Cảm nhận sau các buổi seminar, các thầy cô giáo đều ghi nhận những thành quả đạt được và thêm động lực để tiếp tục ứng dụng đổi mới, lan toả tích cực.

Cô Nguyễn Thị Hương-Giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ: 

“Buổi sinh hoạt chuyên môn mang tính thực tế với những định hướng bài bản, rõ ràng đã mở ra nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo cho việc phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch dạy học và triển khai giáo án của các thầy cô trong tổ. Sau mỗi một buổi sinh hoạt, hội thảo của nhà trường, các thành viên trong gia đình Pascal lại có thêm động lực, thêm niềm vui để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao năng lực nghề nghiệp, giúp học sinh học tập hiệu quả, tích cực mà vẫn ngập tràn niềm vui”. Thầy Đoàn Hữu Có-Tổ trưởng tổ Tiếng Anh cũng viết bài chia sẻ và ghi cảm nhận: “Vào những thời khắc cuối cùng của năm 2021, cả tổ vẫn quyết tâm “bám trụ” đến cùng, quyết tâm hoàn thành buổi seminar chuyên môn sau những khoảng thời gian chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng và cẩn thận. Thật là một kỉ niệm đẹp ngay trong thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ”.

Ở một góc nhìn khác, cô Nguyễn Thị Ánh – Giáo viên môn Lịch sử chia sẻ rất chân thành: “Đối với cá nhân em – một giáo viên Lịch sử trẻ cả về tuổi đời và về tuổi nghề, kinh nghiệm giảng dạy, nhưng em vô cùng may mắn được gặp, làm học trò của cô Tú và sau đó được học tập và làm việc ở trường mình. Em đã được học hỏi “bài bản” từ những điều nhỏ nhất về kĩ năng, chuyên môn để phát triển bản thân”. Chắc chắn seminar sẽ giúp ích rất nhiều cho cô giáo trẻ trên hành trình làm nghề giáo. 

Cô Phạm Hồng Huế – Tổ phó tổ Tự nhiên lại có thêm cảm nhận từ góc nhìn của một học sinh: “Các thầy cô được trải nghiệm khi làm học sinh để hiểu các con hơn từ góc nhìn khác. Các thầy cô cũng thích thú khi được chơi trò chơi, trả lời câu hỏi định hướng để tự nhìn nhận rõ hơn tại sao mình lại tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn. Mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn các thầy cô không chỉ được học hỏi về kiến thức mà còn học hỏi về phương pháp sư phạm”. Thầy Nguyễn Hoàng Nhật – Giáo viên môn Khoa học Tự nhiên (phân môn Sinh học) khẳng định: “Qua sự định hướng của Cố vấn chuyên môn nhà trường, kết thúc buổi sinh hoạt chuyên môn tôi đã tiếp thu được rất nhiều điều từ phương pháp, kỹ thuật dạy học hay ít nhất là tổ chức một buổi Seminar khiến người tham gia không cảm thấy nhàm chán”. Chắc chắn thầy sẽ áp dụng những ý tưởng học được vào các dự án Sinh học hoặc liên môn Sinh học-Địa lý để tiếp tục mang đến cho các bạn nhỏ những giờ học thú vị. 

Cô Phạm Thanh Hải – Giáo viên môn Địa lý chia sẻ ấn tượng của mình với phần mở đầu: “Với phần mở đầu chúng tôi được ôn lại chủ đề: “Người học của bạn là ai?” thông qua bộ câu hỏi trên Blooket-phiên bản “câu cá” (mặc dù chúng tôi đã tổ chức cho học sinh chơi rất nhiều lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia với trong vai là người học) với cảm giác vô cùng hồi hộp, háo hức và mong được nhận phần thưởng là những ngôi sao. Và chúng tôi cũng cảm nhận được rằng HS của mình khi nhận được lời động viên, khen ngợi, tặng thưởng của thầy cô giáo cũng rất là háo hức, hồi hộp. Bên cạnh việc tạo không khí sôi nổi, hào hứng thì chúng tôi còn nhìn nhận, đánh giá lại về người học của mình. Sau đó chúng tôi được cô tổng kết lại bằng cách trả lời một câu hỏi: Mục đích của buổi seminar này là gì? Điều này giúp chúng tôi thấy ý nghĩa, vai trò rất quan trọng việc trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau trong một “gia đình”.

Tổng kết lại các seminar, TS. Hoàng Thanh Tú đã định hướng thêm cho các tổ chuyên môn trong việc tiếp tục chuyển đổi việc xây dựng kế hoạch dạy học nói chung, kế hoạch bài dạy nói riêng trong bối cảnh “chuyển đổi số” để đáp ứng với mọi thay đổi của bối cảnh dạy học. Với những ghi nhận về kết quả hữu ích của các seminar, các thầy cô giáo sẽ tiếp tục học hỏi, đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của nhà trường, tiếp tục nỗ lực mang lại cho các bạn nhỏ một môi trường học tập trong niềm vui và sự thành công.

0376337889 Đăng ký học