https://thptminhtri.edu.vn/wp-content/uploads/2021/06/BANNER-WEB-01.jpg

Pasers – Tự chủ với việc học tập

Bạn hãy chủ động trao đổi với thầy cô với bố mẹ về mong muốn của mình để có thể điều chỉnh phù hợp hơn.

PASERS là cách gọi thân mật, đời thường dành cho các bạn học sinh trường THCS Pascal (Đông Anh, Hà Nội). Với mục tiêu “Sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu” (Ready to become global citizens), Pasers cần có năng lực tự học, tự học suốt đời để thành công trong công việc và cuộc sống. Bài viết này sẽ trả lời hai câu hỏi: 1. Vì sao Pasers cần tự chủ với việc học tập của chính mình? 2. Tự chủ với việc học tập như thế nào?
    
Vì sao Pasers cần tự chủ với việc học tập của chính mình?

    Mỗi người chúng ta có một “bộ máy học” bao gồm các giác quan, các neuron và não. Việc học tập được diễn ra theo quy trình: các giác quan thu nhận thông tin, neuron dẫn truyền và đưa thông tin lên bộ não để xử lý và hình thành các kiến thức. Việc xử lý thông tin ở bộ não của mỗi người diễn ra nhanh, chậm khác nhau. Đặc biệt là bộ não không chỉ đơn giản là một bộ não mà kì diệu hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Vì thế, bạn hãy làm chủ bộ não của mình, tự chủ với việc học tập của chính mình. 
    Trong chương trình giáo dục phổ thông mới (sẽ áp dụng sau năm 2019), tự học là một trong những năng lực chung, cốt lõi của học sinh. Những biểu hiện cơ bản của năng lực tự học là: Tự đặt được mục tiêu học tập, lập và thực hiện được kế hoạch học tập, tự đánh giá và điều chỉnh những hạn chế để học tập thành công. Vì thế, chỉ có bạn (với sự hướng dẫn, tư vấn của thầy cô, của cha mẹ) mới xây dựng được mục tiêu học tập của chính mình và nỗ lực để đạt được mục tiêu ấy. 

Pasers tự chủ với việc học tập như thế nào?

      Đừng bắt đầu việc học bằng sự than phiền như: học chán quá, bài khó quá hay nhiều bài tập quá, nhiều dự án quá… mà bạn hãy bắt đầu từ mục tiêu hay cái “đích” bạn hướng tới. Một mục tiêu xa là hết lớp 9, bạn sẽ tiếp tục ở một trường THPT nào? Những yêu cầu để có thể theo học ở trường đó. Một mục tiêu gần hơn là hết năm học bạn sẽ đạt điểm các môn học ở mức nào? Giỏi hay khá hay trung bình? Một mục tiêu gần nữa là mỗi tháng/tuần bạn sẽ đạt được những kết quả nào?… 

      Hãy lựa chọn nhiệm vụ học tập khi có cơ hội. Mỗi người chúng ta có thế mạnh về một khả năng nào đó. Không phải ai cũng giỏi Toán hay một môn học nào khác. Theo các nhà nghiên cứu, con người có 8 loại hình trí thông minh khác nhau như: ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, giao tiếp, toán học, vận động, tự nhiên và nội tâm. Vì thế, bạn đừng quá lo lắng khi bạn không giỏi Toán hay không giỏi Ngữ văn hay tiếng Anh… Vấn đề là bạn sẽ giỏi ở một lĩnh vực nào khác và hãy cố gắng lựa chọn nhiệm vụ học tập phù hợp với sở thích, năng lực, nhu cầu của mình. Với phương châm mang đến nhiều lựa chọn cho học sinh, chương trình dạy học ở trường THCS Pascal đã và sẽ thiết kế các nội dung, hình thức, nhiệm vụ đa dạng hơn cho học sinh, tăng cơ hội được lựa chọn cho các bạn.
     

      Hãy chủ động đề xuất với thầy cô về mong muốn của mình, hãy luôn đặt ra các câu hỏi thắc mắc hay đưa ra các ý kiến tranh luận, phản biện của mình. Phần lớn học sinh nói chung “thụ động” với việc học ngay từ lúc bắt đầu đến trường và trở thành một thói quen khó thay đổi. Bạn thử kiểm lại xem, bạn đã bao lần nêu ý kiến trong giờ học, đặt ra một câu hỏi thắc mắc (ngoài sách giáo khoa), nói với thầy cô ý tưởng mới của mình hay mong muốn được lựa chọn nhiệm vụ, sản phẩm học tập cần thực hiện/hoàn thành? Có nhiều bạn học sinh than phiền về việc phải làm nhiều bài tập quá hay mệt mỏi vì phải đi học thêm (ngoài giờ học ở trường) do bố mẹ bắt buộc. Nếu như vậy là bạn chưa tự chủ với việc học của chính mình. Bạn hãy chủ động trao đổi với thầy cô với bố mẹ về mong muốn của mình để có thể điều chỉnh phù hợp hơn. Có bạn lại nói, khi đã đề xuất mong muốn với bố mẹ nhưng vẫn bị bắt đi học thêm. Khi ấy, bạn vẫn chưa tự chủ với việc học.Vì để thuyết phục được bố mẹ, bạn hãy tự thiết lập kế hoạch học tập ở nhà, sử dụng hiệu quả giờ học trên lớp, chứng minh cho người lớn thấy bạn có thể tự học thành công. Bất cứ khi nào bạn luôn phải thực hiện theo sự “ép buộc” của người lớn là khi bạn chưa tự chủ với việc học của chính mình, chưa khai thác được khả năng tiềm ẩn của bộ não của chính bạn.
     
      Hãy học cách đánh giá và tự đánh giá để điều chỉnh việc học tập. Phần lớn các bạn học sinh nói chung coi đánh giá là “quyền” của thầy cô mà chưa nhận ra hoặc chưa biết cách đánh giá việc học của bạn học và của chính mình. Một trong các nguyên nhân đưa đến điều này là do thầy cô chưa trao quyền đánh giá cho bạn hoặc nếu có thì chưa cung cấp đủ các tiêu chí hay công cụ trợ giúp bạn làm điều này. Vì thế, hãy chủ động nêu ý kiến với thầy cô cung cấp các tiêu chí đánh giá ngay khi được giao nhiệm vụ. Vì các tiêu chí đó sẽ định hướng cho bạn mức độ cần đạt, là cơ sở đánh giá kết quả cũng như quá trình thực hiện nhiệm vụ hay hoàn thành sản phẩm học tập. Thêm nữa hãy chủ động đưa ra các ý kiến phản hồi về các hoạt động học tập/nhiệm vụ được giao theo một cách thức tích cực, nghĩa là phản hồi để điều chỉnh chứ không phải là “chê bai” hay “xoá bỏ” hay không thực hiện. 

      Cuối cùng, bạn thử nghĩ xem, nếu bạn ước mơ sau này được đi du học, đến một ngày bạn đến một đất nước khác-một nơi xa lạ, khác biệt về văn hoá, lối sống, rào cản ngôn ngữ, giao tiếp… bạn chưa có thói quen tự chủ, luôn làm theo sự “ép buộc” hoặc chăm sóc của người khác, bạn sẽ trụ lại nơi đó như thế nào? Bạn sẽ học như thế nào để thành công? Vì thế bước đầu tiên để “Sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu” bạn hãy học cách “Tự chủ với việc học của chính mình”!

TS. Hoàng Thanh Tú-Cố vấn chuyên môn trường THCS Pascal

0376337889 Đăng ký học